Quyết định hợp nhất 3 nền tảng nhắn tin của Facebook mang đến tiềm năng gì?

Gần đây, Facebook đã lên tiếng xác nhận trong thời gian tới, Facebook sẽ hợp nhất 3 nền tảng nhắn tin của mình, bao gồm Messenger, Instagram và WhatsApp tạo điều kiện giao tiếp đa nền tảng cho người dùng. Bài viết dưới đây tổng hợp 8 tiềm năng mà bạn – là người dùng, nhà tiếp thị và doanh nghiệp cần nắm rõ trước cuộc sáp nhập quan trọng của Facebook.

1. Sự thuận tiện dành cho người dùng được đề cao hàng đầu

Đứng trên phương diện người dùng, Facebook nhận ra rằng họ nên thực hiện một cuộc tích hợp “chưa từng có” để tinh giản mọi thao tác chuyển đổi. Về cơ bản, Messenger, Instagram và WhatsApp vẫn tiếp tục hoạt động độc lập, tuy nhiên, người dùng của 3 dịch vụ có thể dễ dàng nhắn tin qua lại với nhau. Với ý tưởng liên thông này, Facebook đang nỗ lực để nâng cao trải nghiệm các cuộc trò chuyện tốt nhất có thể; đáp ứng mong muốn của người dùng về một phương thức giao tiếp đa nền tảng, nhanh chóng, đơn giản, đáng tin cậy và riêng tư.

Người phát ngôn của Facebook cho biết “Chúng tôi đang làm việc để tạo ra nhiều sản phẩm tin nhắn được mã hóa từ đầu đến cuối và xem xét cách tiếp cận với bạn bè và gia đình qua các các nền tảng ứng dụng một cách dễ dàng hơn.”

2. Cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng tiềm năng

Hãy thử nghĩ xem các doanh nghiệp đang hoạt động trên 3 ứng dụng nói trên sẽ nắm bắt cơ hội ngàn vàng này như thế nào để quảng bá thương hiệu?

Trước hết là số lượng đối tượng khách hàng có thể tiếp cận sẽ tăng lên đáng kể, thậm chí là trên phạm vi toàn thế giới. Nếu như nhóm người dùng từ 16-24 tuổi là nhóm khách hàng “thống trị” ứng dụng Instagram và WhatsApp, thì tiềm năng của nhóm người dùng trên 25 tuổi cũng đang phát triển mạnh trên Facebook Messenger. Chẳng mấy chốc, mọi doanh nghiệp sẽ kết nối với mọi nhóm đối tượng khách hàng.

Với phiên bản mới mẻ trong tương lai của Facebook, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ cần phải lên kế hoạch và tập trung thời gian để gắn kết cả khách hàng mới và khách hàng cũ từ 3 mặt trận riêng biệt trước kia. Và quan trọng đối với những thương hiệu toàn cầu, họ cũng sẽ không cần phải đau đầu lo lắng về khoản kết nối các thị trường đa dạng. Điển hình, lượng dùng người dùng lớn nhất của WhatsApp hiện tập trung tại Châu Á, Nam Mỹ hay Châu Âu. Tương tự với Messenger hay Instagram cũng phổ biến ở những khu vực nhất định, và trong thời gian tới rất có thể sẽ được đưa về một mối.

3. Facebook kỳ vọng doanh thu lớn từ ý tưởng tích hợp

Tuy chỉ đang trong giai đoạn phát triển nhưng rõ ràng ý tưởng tích hợp sẽ mở ra cơ hội gặt hái nhiều lợi ích hơn cho chủ nhà Facebook với không gian bổ sung cho quảng cáo. Đây là điều mà Facebook thực sự cần lúc này vì trong những năm gần đây, họ đã lên tiếng quan ngại về việc bão hòa không gian quảng cáo – đừng quên rằng doanh thu từ quảng cáo cũng rất quan trọng đối với sự tồn tại của công ty.

Một vài gợi ý về khả năng Facebook sẽ ra mắt các tính năng quảng cáo độc quyền mà người dùng có thể trả tiền để sở hữu. Bằng cách tạo thêm không gian quảng cáo qua ý tưởng đổi mới, Facebook có thể đạt được lợi nhuận lớn hơn và nhiều lợi thế kinh doanh hơn.

4. Sự bùng nổ của Chatbot trong tiếp thị

Các mô hình kinh doanh online trên các fanpage Facebook dường như không thể thiếu công cụ Chatbot và trong vài năm tới, công cụ này ngày càng có cơ hội “chiếm sóng” trong lĩnh vực digital marketing. Cụ thể, tự động hóa tiếp thị trò chuyện nắm bắt được những xu hướng hiện hành nhờ trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, cá nhân hóa và tính năng tương tác.

Thêm vào đó, thiết kế giao diện trò chuyện thông minh, kết hợp với trí tuệ nhân tạo, có thể giúp doanh nghiệp vượt qua những trở ngại trong giao tiếp với khách hàng, phản ứng với yêu cầu của các “thượng đế” nhanh hơn.

Các doanh nghiệp hãy sẵn sàng tập hợp các kênh tiếp thị trò chuyện thông qua WhatsApp và Instagram trên Facebook Messenger để có thể sử dụng một nền tảng chatbot duy nhất, hiệu quả nhất.

5. Một giải pháp thay thế hiệu quả cho Email Marketing

Khi 3 nền tảng tin nhắn cùng về một nhà cũng, các nhà tiếp thị sẽ có cơ hội sở hữu một kênh tương tác toàn cầu để trực tiếp liên lạc với người dùng thêm hiệu quả và thân thiện hơn là phương pháp tiếp thị qua email.

Một báo cáo cho thấy tỷ lệ mở thư trung bình của những email tiếp thị là 20%, trong khi tỷ lệ nhấp trung bình vào những email đó là 2,43%.Thay vào đó, cơ hội tiếp thị qua chatbot hay tiếp thị qua tin nhắn được dự đoán sẽ đạt được tỷ lệ mở từ 60% đến 80%, đồng thời tỷ lệ nhấp cao hơn từ 4 đến 10 lần.

6. Facebook đứng trước đối thủ WeChat

Trong màn cạnh tranh giữa những ứng dụng tin nhắn, không thể bỏ qua một đối thủ hạng nặng của Facebook – đó là WeChat. WeChat được sử dụng trên khắp Trung Quốc như một nền tảng đa năng với 1,08 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng. Tuy nhiên, việc tích hợp cả ba ứng dụng nhắn tin phổ biến hiện nay, Facebook rất có thể đẩy ngược tình thế với sự ưa chuộng của WeChat ở Trung Quốc.

7. Tái cấu trúc nội bộ Facebook bắt đầu diễn ra

Sớm muộn gì việc Facebook cũng phải đối mặt với việc tái cấu trúc nội bộ này. Bởi lẽ, các sáng lập WhatsApp và Instagram đã chính thức “dứt áo ra đi” kể từ khi Facebook bắt đầu mở rộng phạm vi kiểm soát của mình nhiều hơn, gây ra những mâu thuẫn trong cách thức kinh doanh. Tờ The New York Times cũng cho biết, đã có một bộ phận nhân viên rời khỏi công ty sau khi lên tiếng phản đối dự án tích hợp 3 nền tảng tin nhắn của Facebook.

8. Ai nhanh tay hơn, kẻ đó thắng

Không phải lúc nào trong thế giới công nghệ cũng xuất hiện những thay đổi lớn và ẩn chứa nhiều tiềm năng như thế này. Đứng trước phi vụ liên thông tầm cỡ, doanh nghiệp nào nhanh tay hơn, tận dụng lợi thế của tiếp thị trò chuyện thì chắc hẳn doanh nghiệp đó sẽ gặt hái được nhiều lợi ích nhất.

Nếu bạn đang xây dựng một doanh nghiệp và phát triển chiến lược trực tuyến của mình, bằng cách kết hợp tiếp thị bằng tin nhắn, bạn sẽ có một nền tảng tốt để chuẩn bị tốt cho giai đoạn tiếp theo và mở rộng cơ hội của mình hơn – đây hẳn là vấn đề lớn đáng để các doanh nghiệp xem xét ngay từ bây giờ.

Nguồn tổng hợp

 


Thông tin khác